Viêm phế quản ở trẻ em: Dấu hiệu ra sao? Điều trị thế nào?

Con ho dai dẳng, thở khò khè, ho có đờm màu trắng/ vàng/ xanh lục,…? Rất có thể con đã mắc phải bệnh viêm phế quản ở trẻ em. Nguyên nhân viêm phế quản là gì? Biểu hiện bệnh ra sao? Hãy cùng vesihohap.com tìm hiểu ngay nào!

Viêm phế quản là gì?

Viêm phế quản ở trẻ em xảy ra khi các ống phế quản (ống dẫn từ khí quản đến phổi) bị nhiễm trùng. Sự kích ứng này dẫn đến tình trạng tích tụ chất nhờn trong cổ họng, gây ho (ho là phản ứng của cơ thể nhằm mục đích đẩy dị vật trong cổ họng ra ngoài).

2 loại viêm phế quản ở trẻ em

Có 2 tình trạng viêm phế quản: viêm phế quản mạn tính và viêm phế quản cấp tính. Hầu hết trẻ em bị viêm phế quản cấp tính, do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Khi được điều trị đúng cách, bệnh sẽ nhanh chóng thuyên giảm và khỏi hẳn.

2 tình trạng viêm phế quản ở trẻ em: cấp tính và mãn tính
2 tình trạng viêm phế quản ở trẻ em: cấp tính và mãn tính

Viêm phế quản cấp tính

Viêm phế quản cấp tính thường xảy ra sau cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp. Bệnh dễ gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, nhưng tình trạng bệnh diễn ra nhanh chóng, chỉ kéo dài từ vài ngày đến 10 ngày. Trong một số trường hợp, trẻ bị viêm phế quản có thể bị ho kéo dài vài tuần sau khi hết nhiễm trùng.

Viêm phế quản mãn tính

Trẻ em hiếm khi bị viêm phế quản mãn tính vì nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh này là hút thuốc lá. Triệu chứng bệnh có thể nhẹ đến nặng và kéo dài từ vài tháng đến vài năm.

Khi bị viêm phế quản mãn tính, các ống phế quản luôn bị viêm, tạo nhiều chất nhầy theo thời gian.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm phế quản ở trẻ em

Ho có đờm, thở khò khè, sốt, mệt mỏi,... là các dấu hiệu phổ biến của viêm phế quản
Ho có đờm, thở khò khè, sốt, mệt mỏi,… là các dấu hiệu phổ biến của viêm phế quản

Triệu chứng ban đầu của viêm phế quản cấp tính khá giống với cảm lạnh thông thường với những cơn ho khan, khó chịu. Song, rất nhanh sau đó, triệu chứng bệnh viêm phế quản ở trẻ em sẽ rõ ràng hơn với các biểu hiện:

  • Ho có đờm đặc với màu trắng, màu vàng hoặc màu xanh lục
  • Khó thở
  • Tức ngực hoặc ngực có cảm giác đau nhức
  • Thở khò khè
  • Đau đầu
  • Cảm thấy mệt mỏi
  • Sốt
  • Ớn lạnh

Với trẻ em bị viêm phế quản mãn tính, bạn có thể thấy các triệu chứng:

  • Thời gian bình phục sau cảm lạnh và các bệnh đường hô hấp lâu hơn bình thường
  • Bé bị viêm phế quản thở khò khè, khó thở và ho có thể xảy ra hàng ngày
  • Tình trạng khó thở có thể ngày càng nghiêm trọng hơn

Yếu tố nguy cơ gây bệnh viêm phế quản ở trẻ em?

Viêm phế quản cấp tính thường do virus gây ra. Bệnh có thể xảy ra cùng với hoặc sau khi bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp khác.

Ngoài ra, trẻ có nguy cơ mắc viêm phế quản khi:

  • Tiếp xúc gần với những người đang bị viêm phế quản
  • Bố mẹ, người thân trong gia đình hút thuốc lá
  • Tiếp xúc với khói hóa học, chất ô nhiễm không khí trong thời gian dài

Làm thế nào được chẩn đoán viêm phế quản ở trẻ em?

Khi các bác sĩ nghi ngờ trẻ bị viêm phế quản, họ sẽ khám và nghe lồng ngực của trẻ bằng ống nghe.

Không cần xét nghiệm để chẩn đoán viêm phế quản, nhưng trong một vài trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang phổi để loại trừ tình trạng như viêm phổi. Đôi khi bác sĩ cũng yêu cầu làm xét nghiệm thở (gọi là đo phế dung) để kiểm tra xem trẻ có bị bệnh hen suyễn không. Các dấu hiệu viêm phế quản thường thấy như ho, thở khò khè và khó thở cũng là dấu hiệu của bệnh hen suyễn.

Cách điều trị viêm phế quản ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Viêm phế quản cấp tính và mãn tính có phương pháp điều trị khác nhau. Nhìn chung, trẻ bị viêm phế quản cấp tính có thể dễ dàng khỏi bệnh khi được điều trị đúng cách ngay tại nhà. Ngược lại, trẻ bị viêm phế quản mãn tính thường lâu khỏi bệnh hơn.

Điều trị bệnh viêm phế quản ở trẻ em thế nào?
Điều trị bệnh viêm phế quản ở trẻ em thế nào?

Điều trị viêm phế quản cấp tính ở trẻ em như thế nào?

Các bác sĩ thường không kê đơn thuốc kháng sinh cho trẻ bị bệnh viêm phế quản do virus gây ra. Lý do là bởi, thuốc kháng sinh chỉ hoạt động chống lại vi khuẩn, không phải virus.

Hầu hết các trường hợp trẻ bị viêm phế quản có thể nhanh chóng khỏi bệnh khi được chăm sóc một cách khoa học ngay tại nhà:

  • Trẻ bị viêm phế quản nên được uống nhiều nước/ sữa hơn.
  • Trẻ bị viêm phế quản cần được nghỉ ngơi nhiều hơn. Tuy nhiên, tình trạng nghẹt mũi do chất nhầy trong mũi có thể khiến trẻ khó ngủ. Để giúp trẻ thoải mái hơn, mẹ có thể cho con nằm với một chiếc gối cao hơn một chút (giúp chất nhầy trong mũi không bị chảy ngược xuống cuống họng).
  • Đối với trẻ trên 1 tuổi, bác sĩ có thể khuyến nghị sử dụng thuốc ho không kê đơn hoặc siro trị ho để làm dịu cổ họng và giảm ho. Đôi khi họ cũng kê đơn thuốc giãn phế quản giúp thư giãn và mở các ống phế quản; làm sạch chất nhầy để bạn dễ thở hơn.
  • Chườm ấm cho ngực: viêm phế quản có thể làm cho ngực của trẻ cảm thấy nặng nề. Chườm ấm vào ngực giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Loại bỏ các chất gây kích ứng: người lớn không nên hút thuốc nơi có trẻ em xuất hiện. Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng con không ở trong môi trường nhiều bụi, phấn hoa hoặc hóa chất.

Điều trị viêm phế quản mãn tính

Mặc dù phổ biến hơn ở người lớn – đặc biệt là những người hút thuốc hoặc những người mắc các bệnh về phổi; nhưng trẻ em cũng có nguy cơ bị viêm phế quản mãn tính.

Khác với viêm phế quản cấp tính, trẻ bị viêm phế quản mãn tính cần được điều trị bằng thuốc càng sớm càng tốt, để tránh bệnh chuyển biến nguy hiểm và gây ra các biến chứng không mong muốn.

Theo các tài liệu Y khoa, trẻ chẩn đoán mắc bệnh viêm phế quản mãn tính do vi khuẩn nên được điều trị bằng một đợt kháng sinh kéo dài hai tuần. Các bác sĩ có thể xem xét kéo dài thêm một liệu trình bốn tuần nếu bệnh nhân không đáp ứng đầy đủ với phương pháp điều trị ban đầu.

Liên hệ với bác sĩ ngay khi con bạn có các dấu hiệu sau

Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?
Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?

Ho viêm phế quản đôi khi có thể là triệu chứng của bệnh gì đó nghiêm trọng hơn (như viêm phổi). Nếu con bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy liên hệ với bác sĩ càng nhanh càng tốt:

  • Sốt dai dẳng trên 37,9 độ C trong một tuần
  • Đau ngực và khó thở
  • Ho hoặc thở khò khè kéo dài hơn bốn tuần
  • Trẻ ho ra chất nhầy có máu

Hi vọng những thông tin về viêm phế quản ở trẻ em trong bài viết hôm nay sẽ hữu ích với bạn. Đừng quên truy cập vào vesihohap.com mỗi ngày để cập nhật thêm nhiều kiến thức mới về cách chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ khoa học.

Nguồn bài viết https://vesihohap.com/

T.S B.S Đặng Hùng Minh
Tiến sĩ y khoa chuyên ngành Hô hấp được đào tạo tại Nhật Bản. Tư vấn bài viết chuyên môn trên website vesihohap.

Bài nên đọc

Bình luận

Leave A Reply

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nên đọc thêm