Viêm phế quản cấp ở trẻ em là bệnh thường gặp. Mỗi bậc phụ huynh nên trang bị cho mình những kiến thức về bệnh lý để chủ động chăm sóc và phòng ngừa.
Bệnh viêm phế quản cấp ở trẻ em là gì?
Viêm phế quản mô tả tình trạng các ống dẫn khí đến phổi, được gọi là ống phế quản bị viêm và kích thích. Khi điều này xảy ra, các ống phế quản sưng lên và tạo ra chất nhầy, gây phản ứng ho kéo dài.
Có hai loại viêm phế quản:
- Viêm phế quản cấp tính thường diễn biến nhanh và thuyên giảm sau 2 – 3 tuần
- Viêm phế quản mãn tính có xu hướng tái đi tái lại, kéo dài nhiều ngày, đặc biệt là ở trẻ sống trong môi trường khói bụi, thường xuyên tiếp xúc với các chất gây dị ứng
Bài viết này tập trung vào viêm phế quản cấp tính ở trẻ. Đây không phải là một bệnh nghiêm trọng. Và ở những trẻ khỏe mạnh, viêm phế quản cấp thường tự khỏi.
Nhiễm trùng hoặc vi rút thường khởi phát viêm phế quản cấp tính. Viêm phế quản ở trẻ em cũng có thể do các vấn đề y tế khác như hen suyễn, xoang hoặc amidan.
Nguyên nhân bé bị viêm phế quản cấp
Đa phần các trường hợp trẻ bị viêm phế quản cấp do virus gây ra. Thông thường, trẻ có thể bị viêm phế quản cấp vài ngày sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp trên như cảm lạnh hoặc cảm cúm. Ngoài ra, đôi khi viêm phế quản cấp ở trẻ em là do vi khuẩn.
Viêm phế quản cấp tính cũng có thể do hít phải những thứ gây kích thích ống phế quản, chẳng hạn như khói thuốc, bụi bẩn, lông thú cưng. Bên cạnh đó, triệu chứng viêm phế quản ở trẻ em cũng có thể xảy ra khi hít phải thức ăn vào phổi.
Biểu hiện của viêm phế quản cấp ở trẻ em
Các dấu hiệu phổ biến nhất của viêm phế quản cấp ở trẻ bao gồm:
- Ho thường xuyên: có thể bắt đầu như một cơn ho khan, sau đó chuyển thành ho có đờm (ho kéo dài theo chất nhầy từ phổi). Tình trạng này có thể kéo dài trong vài tuần, ngay cả khi các triệu chứng khác đã biến mất
- Đau ngực: Bé bị viêm phế quản cấp có thể gây đau ngực khi ho hoặc khi hít thở sâu
- Thở khò khè: Bé có thể phát ra tiếng khò khè hoặc the thé khi thở vào và thở ra
- Khó thở: Con của bạn có thể bị hụt hơi khiến trẻ mệt mỏi hoặc không muốn chơi các môn thể thao, trò chơi thể chất
- Các triệu chứng khác liên quan đến nhiễm trùng cũng có thể xuất hiện, chúng bao gồm: ớn lạnh, sốt, đau họng, sổ mũi hoặc nghẹt mũi
Viêm phế quản trẻ em có nguy hiểm không?
Trên thực tế, nếu trẻ bị viêm phế quản cấp được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ không gây nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, trường hợp bố mẹ chủ quan, không điều trị ngay trong giai đoạn đầu, bệnh sẽ chuyển sang thể mãn tính. Thậm chí còn kéo dài nhiều biến chứng nguy hiểm khác như:
- Viêm phổi
- Tràn dịch dịch
- Phù nề niêm mạc phế quản, tắp hẹp ống thở, suy hô hấp
Chính vì vậy, phụ huynh tuyệt đối không được lơ là, chủ quan khi bé bị viêm phế quản cấp tính.
Cách điều trị viêm phế quản cấp ở trẻ em tại nhà hiệu quả
Sau đây là một số khuyến nghị để giúp giảm bớt các triệu chứng viêm phế quản cấp tính ở trẻ:
- Cân nhắc sử dụng máy tạo độ ẩm không khí: Nếu không khí trong nhà quá khô, phụ huynh nên trang bị máy tạo độ ẩm trong phòng để giúp bé dễ thở hơn, qua đó nâng cao chất lượng giấc ngủ, kiểm soát triệu chứng bùng phát vào ban đêm
- Cho trẻ uống nhiều chất lỏng: Trẻ bị viêm phế quản cấp có thể cần uống nhiều chất lỏng hơn bình thường để giữ đủ nước. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ cần tiếp tục cho bé bú sữa, nên tăng cường cữ bú trong ngày, đồng thời giảm lượng bú trong một lần để bé hấp thụ một cách tốt nhất
- Làm sạch chất nhầy từ mũi bé: Dùng dụng cụ hút mũi để loại bỏ chất nhầy trong mũi của bé. Bóp bầu và đặt đầu hút vào lỗ mũi của bé. Nhẹ nhàng thả tay ra để tạo áp lực hút chất nhầy. Lặp lại các bước nếu cần. Làm tương tự với lỗ mũi bên kia. Mẹ cần đảm bảo mũi trẻ được thông thoáng trước khi bú hoặc ngủ.
- Không để con bạn tiếp xúc gần với khói thuốc: Điều trị viêm phế quản cấp ở trẻ em cần giúp con tránh xa với tác nhân gây dị ứng, nghiêm trọng nhất là khói thuốc lá. Nicotine và các hóa chất khác trong thuốc lá và xì gà có thể gây tổn thương phổi. Vì vậy, nếu trong gia đình có người nghiện thuốc lá, bạn cần nhắc nhở họ hút ở bên ngoài để tránh khói thuốc xâm nhập vào trong phòng bé.
- Ngăn chặn sự lây lan của vi trùng: Cho trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước. Luôn mang theo gel hoặc kem dưỡng da tay diệt vi trùng bên mình để dùng cho trẻ khi cần thiết. Bạn nên lựa chọn loại dung dịch rửa tay phù hợp với trẻ để không gây kích ứng. Ngoài ra, bạn nên nhắc trẻ không chạm vào mắt, mũi hoặc miệng của mình trừ khi đã rửa tay trước. Cố gắng để con bạn tránh những người bị cảm lạnh hoặc cảm cúm.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp: Tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây nhằm nâng cao khả năng phòng vệ của hệ miễn dịch. Ngoài ra, trong bữa ăn của trẻ, mẹ nên nêm nếm gia vị vừa phải, tránh cho trẻ ăn nhiều đồ ăn nhiều muối. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến quá trình điều trị viêm phế quản cấp ở trẻ em. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên ưu tiên nấu những món ăn dạng mềm, lỏng như cháo cho bé dễ nuốt và tiêu hóa
Trên đây là chia sẻ về bệnh lý viêm phế quản cấp ở trẻ em. Quan trọng nhất trong điều trị viêm phế quản cấp là cần theo dõi và chăm sóc đúng cách. Rất hiếm trường hợp bé bị viêm phế quản cấp tính gây nguy hiểm đến sức khỏe, nhưng không vì vậy mà bố mẹ được chủ quan.