Chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà – Cần lưu ý điều gì?

Chăm sóc đúng cách là giải pháp giúp con nhanh chóng thoát khỏi bệnh viêm phổi. Vậy cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi như thế nào? Cùng vesihohap.com tìm hiểu ngay nhé!

Vấn đề cần đặc biệt lưu ý khi con bị viêm phổi

Trong hầu hết các trường hợp, trẻ bị viêm phổi có thể được điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay khi trẻ có dấu hiệu viêm phổi.

Nếu không được điều trị kịp thời, viêm phổi có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Nhiễm khuẩn huyết
  • Khó thở
  • Tràn dịch màng phổi
  • Áp xe phổi

Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà

Khi con được chỉ định điều trị bệnh viêm phổi tại nhà, cha mẹ cần có các biện pháp chăm sóc con phù hợp để giúp con nhanh chóng khỏi bệnh.

Uống thuốc đúng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ

Cho trẻ uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ
Cho trẻ uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ

Trong trường hợp bác sĩ kê cho con đơn thuốc chứa kháng sinh, hãy cho con uống thuốc đúng liều lượng và đủ ngày. Đừng tự ý ngừng cho con sử dụng thuốc kháng sinh sau một vài ngày, ngay cả khi các triệu chứng bệnh viêm phổi của con có dấu hiệu được cải thiện. Nếu tự ý ngừng uống thuốc khi bệnh chưa khỏi hẳn, vi khuẩn sẽ hoạt động trở lại và khiến bệnh tình của con chuyển biến xấu.

Cha mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa nhi khi có bất kỳ mối quan tâm nào về thuốc hoặc tác dụng phụ của thuốc đối với trẻ em.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho con uống thuốc ho không kê đơn. Nhiều loại thuốc ho không được khuyến cáo cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Chăm sóc trẻ bị viêm phổi có dấu hiệu sốt

Sốt là một triệu chứng phổ biến của chứng viêm phổi ở trẻ em. Nó có vẻ đáng sợ, nhưng trong nhiều trường hợp, phản ứng sốt là vô hại và cho thấy cơ thể đang chống lại tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, sốt thường khiến trẻ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi và muốn được hạ sốt nhanh chóng.

Trường hợp trẻ bị sốt nhẹ, cha mẹ có thể áp dụng những biện pháp dưới đây để giúp con cảm thấy dễ chịu hơn:

  • Cho trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước.
  • Cho con mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.
  • Đắp chăn cho con nếu con có biểu hiện ớn lạnh.
  • Dùng khăn ấm để lau khắp cơ thể con (biện pháp này không có tác dụng giảm sốt trực tiếp, nhưng có thể giúp con cảm thấy dễ chịu hơn).
  • Hỏi ý kiến bác sĩ về việc cho trẻ sử dụng các loại thuốc hạ sốt như acetaminophen hoặc ibuprofen.

Khi con bị sốt cao hoặc sốt dai dẳng nhiều ngày, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện để chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp. Lý do là bởi, sốt cao, sốt dai dẳng nhiều ngày có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Lưu ý: Cha mẹ nên kiểm tra nhiệt độ cơ thể trẻ bằng nhiệt kế. Đừng cố gắng đoán xem con có bị sốt hay không bằng cách chỉ cảm nhận xem cơ thể con có vẻ nóng hay không.

Cho trẻ uống đủ nước, ăn đủ dưỡng chất

Cho trẻ uống nước lọc, nước ép hoa quả,... để tránh mất nước
Cho trẻ uống nước lọc, nước ép hoa quả,… để tránh mất nước

Khi bị viêm phổi con có thể ăn, bú kém hơn. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên cho con bú với tần suất nhiều hơn để tránh bị mất nước do bú không đủ lượng sữa cần thiết.

Với trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi, mẹ có thể cho con uống thêm nước lọc, nước ép hoa quả. Trẻ hơn 1 tuổi có thể uống thêm oresol.

Ngoài ra, một chế độ ăn uống lành mạnh với các thực phẩm tốt cũng sẽ góp phần giúp con nhanh chóng khỏi bệnh. Dưới đây là một số thực phẩm rất tốt cho trẻ bị viêm phổi:

  • Các loại ngũ cốc
  • Thực phẩm giàu protein: quả hạch, hạt đậu, thịt trắng,…
  • Rau lá xanh: cải xoăn, rau diếp, rau bina, súp lơ xanh,…
  • Nước ép trái cây có múi: cam, quýt, bưởi,…
  • Sữa chua
  • Mật ong (không sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi)

Bên cạnh việc bổ sung các thực phẩm nói trên, cha mẹ cần lưu ý tránh để con ăn những thực phẩm sau khi bị viêm phổi:

  • Xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói,…
  • Thực phẩm nhiều muối
  • Đồ chiên rán
  • Hải sản
  • Đồ uống có ga

Các biện pháp chăm sóc trẻ bị viêm phổi khác

Khi con bị viêm phổi, cha mẹ nên:

  • Cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ, điều này giúp con không cảm thấy quá mệt mỏi.
  • Thường xuyên lau dọn phòng ngủ và đồ chơi của con để loại bỏ virus, vi khuẩn
  • Máy tạo độ ẩm giúp làm ẩm không khí và có thể giúp con thở tốt hơn.
  • Sử dụng máy lọc không khí để loại bỏ bụi bẩn – tác nhân khiến tình trạng ho của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn (nếu cần).

>>> Xem nhiều hơn: Trẻ bị viêm phổi uống thuốc gì?

Khi nào cần đưa trẻ bị viêm phổi đến bệnh viện?

Trẻ cần được nhập viện khi triệu chứng bệnh có vẻ xấu đi
Trẻ cần được nhập viện khi triệu chứng bệnh có vẻ xấu đi

Cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi nhận thấy:

  • Con có dấu hiệu khó thở (hít vào và thở ra gấp gáp, lỗ mũi phình to)
  • Môi và móng tay của con chuyển sang màu xám hoặc xanh lam; đây là dấu hiệu cho thấy trẻ không nhận đủ oxy.
  • Trẻ bị sốt nhiều ngày hoặc sốt cao.
  • Trẻ đã uống thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm hoặc có vẻ xấu đi.

Kết luận

Vesihohap.com hi vọng hướng dẫn chăm sóc trẻ bị viêm phổi trên đây hữu ích với bạn. Và cha mẹ đừng quên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa Nhi khi có bất cứ điều gì lo lắng về sức khỏe của con nhé!

T.S B.S Đặng Hùng Minh
Tiến sĩ y khoa chuyên ngành Hô hấp được đào tạo tại Nhật Bản. Tư vấn bài viết chuyên môn trên website vesihohap.

Bài nên đọc

Bình luận

Leave A Reply

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nên đọc thêm